Vào ngày 24/11/1979, một cuộc không tặc máy bay quân sự C130 vô tiền
khoán hậu tại sân bay Tân Sơn Nhất của một nhóm 13 người trốn chạy khỏi
VN gây chấn động thế giới. Họ là ai? Cuộc vượt biên bằng máy bay này ra
sao? Ông Trương Văn Ẩm, người lên kế hoạch cuộc không tặc kể lại câu
chuyện sau 36 năm:
“Không có động cơ nào hết bởi vì năm 1975 tôi đã sắp xếp đầy đủ,
sẵn sàng chỗ máy bay cho ông già bà già, cho vợ con đi mà cuối cùng bà
già với anh em cương quyết không đi. Tôi không đi được thì tôi nghĩ
không bao giờ đi nữa”.
Ông Trương Văn Ẩm, một nhân viên trong ngành kỹ thuật hàng không làm
việc tại sân bay Tân Sơn Nhất, được giữ lại trong Cục Kỹ thuật Không
quân sau năm 1975 bắt đầu câu chuyện kể của mình qua câu hỏi của Hòa Ái
rằng động cơ nào khiến ông đi đến quyết định trở thành một tên không tặc
đối với chính phủ VN lúc bấy giờ.
Tuy cuộc sống của ông và gia đình không còn được sung túc như thời
VNCH nhưng vẫn tốt sau khi Sài Gòn đổi tên thành TP. HCM. Ông Ẩm không
hề manh nha nghĩ đến một cuộc ra đi nào sau khi cả gia đình quyết định ở
lại VN. Thế nhưng, một chuyến công tác ra Hà Nội đầu tiên và cũng là
cuối cùng đã tác động ít nhiều đến cuộc không tặc định mệnh trong cuộc
đời ông:
“Đùng một cái vào ngày mùng 2 tháng 9, lễ Quốc khánh năm 1979, tối
đang ở nhà coi ti vi với bà con lối xóm thì ông thủ trưởng lái xe jeep
ra, đi với mấy người lính, nói với tôi rằng anh có lệnh phải đi công
tác Hà Nội. Từ hồi mất nước khi tôi ở lại dù có yêu cầu đi Hà Nội mấy
lần nhưng tôi không muốn đi. Không biết tại sao động lực nào xui
khiến lần này tôi đi liền. Nhiệm vụ của tôi, thứ nhất là tôi phải coi
một chiếc máy bay C30 bị hư lâu rồi mà không sửa được. Nhiệm vụ thứ hai
là tôi phải vào Cục Kỹ thuật Không quân, thuộc Bộ Tư lệnh Không quân để
thuyết trình những hoạt động máy bay của Mỹ trong này cho mấy ông lớn
ngoài đó nghe. Tôi ra Hà Nội, tôi coi thì chiếc máy bay không bị hư hỏng
nặng, chỉ bị hư nhẹ thôi nhưng vì mấy người không có kinh nghiệm. Tôi
lên coi máy, tôi hỏi rồi tôi chỉ anh em làm có nửa tiếng đồng hồ xong”.
Cậu tôi nói là tôi phải đi, không được ở
lại. ‘Bởi vì mày ở lại mai mốt cũng về cuốc đất. Nó chỉ sử dụng mày một
thời gian thôi đến khi nào nó biết hết’ - Ông Trương Văn Ẩm
Nhiệm vụ thứ nhất đã hoàn thành nhanh chóng và đến giờ vào Cục Kỹ
thuật để thuyết trình. Thế nhưng bức tranh về xã hội miền Bắc dưới chế
độ Cộng sản lần lần được hiện ra rõ nét trong tâm tưởng ông Trương Văn
Ẩm. Bắt đầu từ giây phút ông bị anh lính gác cổng không cho vào thuyết
trình vì cách ăn mặc miền Nam không đúng theo tiêu chuẩn quy định cho
đến Thượng úy trực ban cũng không thể can thiệp cho vào để ông làm tròn
nhiệm vụ thứ 2 được giao. Vì nguyên nhân này mà ông Ẩm có thời gian tham
quan Hà Nội, được tận mắt thấy cảnh đời sống thường nhật của người dân
Hà thành, kể cả những trí thức trở về từ các nước Đông Âu.
Do thời tiết bị bão, không có máy bay về lại miền Nam, ông Trương Văn
Ẩm quyết định về thăm cố hương Thái Bình, nơi ông di cư từ hồi 8, 9
tuổi. Họ hàng gần xa đều đến đông đủ tay bắt mặt mừng. Trong thời gian 3
ngày thăm viếng, lời khuyên ngắn gọn của người cậu ruột ám ảnh ông
Trương Văn Ẩm:
“Cậu tôi nói là tôi phải đi, không được ở lại. ‘Bởi vì mày ở lại
mai mốt cũng về cuốc đất. Nó chỉ sử dụng mày một thời gian thôi đến khi
nào nó biết hết’”.
Rồi buổi gặp mặt tình cờ với phi công Tiêu Khánh Nha đã khiến ông
Trương Văn Ẩm đi đến quyết định cho một chuyến vượt biên bằng máy bay
quân sự sau khi nghe chia sẻ của Thượng úy “chế độ mới” này:
“Ông nói cái vụ chiến tranh biên giới năm 1978, tôi mang họ Tiêu,
nó nói tôi gốc Tàu mà tôi có biết ông cố nội tôi có phải Tàu không.
Nhưng bây giờ nó muốn hất tôi ra khỏi sân bay, không cho tôi được phép
đi tới gần máy bay, chờ nó cho về vườn thôi”.
Kế hoạch cho một cuộc vượt thoát bằng cách cướp chiếc máy bay quân sự
C130 đang được ông Ẩm phụ trách sửa chữa ở sân bay Tân Sơn Nhất được
lập ra chớp nhoáng. Mọi dự trù về xăng nhớt, an ninh, phòng không đều
được bàn tính chi ly chỉ vỏn vẹn trong 3 ngày.
“Nếu đi đúng giờ giấc thì mình cất cánh rồi thì F5 Biên Hòa chưa
cất cánh. Lý do khi nghe báo động dưới này thì phải gọi lên phòng tác
chiến trên đó. Phòng tác chiến phải kiểm tra tới, kiểm tra lui. Đúng thì
mới ra lệnh xuống Phòng hành quân và Phòng hành quân mới ra lệnh cho
phi công ra máy bay thì mất khoảng 10 đến 15 phút. Thời gian nói chuyện
với nhau cũng mất 5,10 phút rồi. Khoảng 25 đến 30 phút máy bay mới cất
cánh được mà mình cất cánh 15 phút thì đã mất tiêu rồi”.
Kế hoạch bị trì hoãn, thay vì xuất phát vào giờ G ngày thứ Tư thì mãi
đến giờ cơm trưa ngày thứ Bảy, nhóm người trong tổ nhân viên kỹ thuật
hàng không của ông Ẩm và 1 bộ đội canh gác máy bay trên mặt đất bị khống
chế bắt đầu giây phút trở thành không tặc:
“Khoảng 11 giờ bắt đầu tôi cho anh em quay máy. Khi vừa quay máy
được chút xíu, khoảng 5 phút thì có 2 anh bộ đội kéo một chiếc máy bay
loại C119 đi ngang ‘taxi way’(đường di chuyển nội bộ trong khu vực sân
bay), dừng lại ngay giữa đường, đứng đó là mình không bay ra vô được
nữa. Chiếc máy bay đó lớn lắm”.
Chiếc máy bay C130
Theo kế hoạch, vợ chồng và 2 đứa con nhỏ của phi công Tiêu Khánh Nha
sẽ xé hàng rào chạy vào sau khi nghe tiếng 4 động cơ chiếc C130 được
khởi động. Nếu trục trặc xảy ra thì các động cơ sẽ bị tắt. Đây là tín
hiệu cho gia đình phi công này không được di chuyển tiếp cận máy bay. Do
bị chiếc C119 chắn ngang, 4 động cơ bị tắt trong khi ông Ẩm đang cố
gắng tìm cách giải quyết thì phi công Tiêu Khánh Nha không làm theo kế
hoạch:
“Ông Nha nóng ruột, chung hàng rào chạy vô. Ông cứ hỏi, tôi nói
anh cứ đi ra đi, ăn cơm xong rồi liên lạc sau. Anh đi ra khỏi đây đi. An
ninh, Bảo vệ mà thấy anh với tôi nói chuyện là phiền phức”.
Sau đó không lâu, mọi việc suông sẻ:
“Tôi sắp xếp xong đàng hoàng thì quay máy khoảng 5 phút sau, nhìn ra phía hàng rào vẫn không thấy gia đình ông Nha đâu hết”.
Trong giây phút căng thẳng không thấy gia đình phi công Tiêu Khánh
Nha xuất hiện thì 1 bộ đội chạy đến khiến mọi người chết đứng. Hóa ra là
người trong gia đình phi công Nha “ăn theo”, mặc đồ lính, xé rào chạy
về hướng máy bay. Cuối cùng 13 người có mặt trong phi hành đoàn bất đắc
dĩ và chiếc C130 bắt đầu lăn bánh sau 2 giờ chiều ngày 24/11/1979.
“Vừa lái thẳng chiếc máy bay tới ngang Ga Hàng không Việt Nam, chỗ
Đài kiểm soát là tống ga cất cánh lên liền quẹo về hướng Cát Lái. Lúc
đầu định đi qua Biên Hòa rồi đi thẳng ra Vũng Tàu nhưng phút chót lại
đổi ý. Khi cất cánh lên được rồi thì bay về hướng Thủ Thiêm. Bay khoảng
10 phút là chúng tôi thấy biển đến Vũng Tàu là bắt đầu lên cao. Anh em
mừng ôm nhau khóc. Chúng tôi khóc trong máy bay vậy đó”.
Dường như kế hoạch được trót lọt, không gặp trở ngại nào từ lực lượng
phòng không VN. Thế nhưng, thời tiết buổi chiều ngày thứ Bảy định mệnh
là một thách thức cho nhóm không tặc bao gồm 2 trẻ em:
“La bàn thì không có, bị hư. Bản đồ không có. Chúng tôi theo cách
hồi xưa được học địa lý, ra bờ biển Vũng Tàu thì theo bờ biển đi thôi.
Trời xấu quá, tối và mưa nên phải bay lên cao. Bay lên cao khoảng 5,7,
10 phút lại xuống. Xuống lần thứ 4 thì chúng tôi thấy cái mỏm của
Malaysia. Qua Malaysia thì sẽ đến Singapore. Chúng tôi học địa lý, chúng
tôi biết. Bay khoảng 10 phút thì lên lại. Xuống trở lại thì thấy cảng
của Singapore đèn đuốc sáng. Chúng tôi nói đúng Singapore phía trước
rồi”.
Bay khoảng 10 phút là chúng tôi thấy biển
đến Vũng Tàu là bắt đầu lên cao. Anh em mừng ôm nhau khóc. Chúng tôi
khóc trong máy bay vậy đó.- Ông Trương Văn Ẩm
Cất cánh được êm xuôi. Thế hạ cánh thì thế nào:
“Chúng tôi bật liên lạc. Chúng tôi không có tần số nên liên lạc
không được. Không có ai trả lời hết thành ra chúng tôi phải đáp bằng tín
hiệu gọi là MCC quốc tế. Chúng tôi lắc cánh 3 lần. Bật đèn xanh chớp
rồi lắc cánh 3 lần. Khi lắc cánh 3 lần thì chúng tôi nhìn thấy Đài Kiểm
soát của sân bay Singapore chớp đèn đỏ. Như vậy đã nhận được tín hiệu
của mình nhưng đèn đỏ là không được đáp”.
Và chiếc C130 đáp xuống sân bay Singapore một cách an toàn. Mọi người
được yêu cầu chờ trên máy bay, được cung cấp thức ăn và được chở đi vệ
sinh. Sau vài giờ đồng hồ, cảnh sát Singapore nói rằng sẽ cho máy bay
dẫn đường bay qua Philippines. Đoàn người nhất quyết không đồng ý và
khẩn thiết xin được gặp nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Singapore.
Nhóm 13 người được giữ lại Singapore. Ngày Chủ Nhật hôm sau được làm
việc với cảnh sát của đảo quốc Sư Tử. 2 ngày kế tiếp được gặp nhân viên
Hoa Kỳ:
“Trong ngày khai báo thứ Hai và thứ Ba, có một ông Mỹ là Đại úy.
Ông nói thẳng ông là CIA. Ông nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt Nam như
người Việt Nam vậy. Ông nói chào mừng chúng tôi. Ông nói rằng ‘mấy anh
đi làm náo loạn không những Tòa Bạch Ốc, Ngũ Giác Đài, mà náo loạn cả
nước Mỹ và thế giới. Chúng tôi nhận các anh nhưng chúng tôi không tin
tưởng bởi chúng tôi còn đặt nghi vấn có chuyện sắp xếp của Việt Cộng cho
các anh đi. Thành ra tôi đang ở Đức nhưng được lệnh về gấp gặp các
anh”.
Kết quả là cả 13 người được quy chế tị nạn chính trị và sẽ được định
cư ở Hoa Kỳ. Trả lời câu hỏi “mọi người mong muốn điều gì sau khi nhận
được kết quả này”, ông Trương Văn Ẩm ước ao được đặt chân đến Mỹ trước
ngày Noel sắp đến. Điều mong ước tưởng chừng không tưởng ấy được đáp
ứng. Trong khi mọi người hài lòng với món quà một bộ đồ và đôi giày
ba-ta mới chuẩn bị lên đường qua Mỹ đón Noel chỉ trong vòng 1 tuần thì
người bộ đội “con tin” lại xin được quay về VN. Dù mọi người khuyên can
thế nào thì anh lính cụ Hồ vẫn không thay đổi quyết định:
“Nó khóc lóc nói ba em già 70 tuổi, nếu cho em về nhìn ba em một cái rồi chết cũng được”.
Như hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do, 12 người này đã
trở thành không tặc để đi tìm sự sống trong cái chết. Nhà nước CHXHCNVN
mở phiên tòa xét xử khiếm diện, tuyên án tử hình đối với Thượng úy phi
công Tiêu Khánh Nha, ông Trương Văn Ẩm và những người còn lại bị tuyên
từ 20 đến 35 năm tù giam.
Cuộc đời mới ở Hoa Kỳ của 12 người thoắt đó đã 36 năm với nhiều đổi
thay. Sau khi đến Mỹ không lâu, 1 người trong nhóm bị bạo bệnh. Tro cốt
của người này được gửi về cho gia đình qua đường bưu điện. Thế nhưng tên
họ của người đã khuất mang “tội phản quốc” nên bị gửi trả ngược lại Hoa
Kỳ. Trong mấy năm qua, 1 thành viên khác trong nhóm trở về VN lại được
chào đón như một Việt kiều yêu nước.
Riêng người chủ mưu cuộc không tặc vô tiền khoán hậu, ông Trương Văn Ẩm vẫn kiên định tư tưởng “Tôi chỉ về khi nào không Cộng sản. Còn Cộng sản thì không bao giờ tôi về”,
đồng thời vẫn luôn thăm hỏi tông tích của người bộ đội tên Tạo dù đến
nay vẫn chưa có manh mối nào. Trong những phút giây bất chợt nhớ về lần
vượt thoát, lẫn trong âm thanh văng vẳng tiếng động cơ và cánh quạt của
chiếc C130, còn có tiếng khóc nghẹn ngào đòi trở về VN của anh Tạo. Và
ông Ẩm tự hỏi “liệu rằng sau bao vật đổi sao dời, người lính trẻ có còn
giữ vững lập trường của mình hay chăng?”.
No comments:
Post a Comment