Thursday, January 29, 2015

Tiểu Tử / Chuyện Thuờ Giao Thời

  Nhà Văn Tiểu Tử 

Chuyện Thuở Giao Thời 

Tiểu Tử – Chuyện thuở giao thời



 

Tháng 3, rồi tháng 4 năm 1975, thiên hạ chạy di tản rần rần từ miền trung vào trong nam, rồi từ đất liền « chạy » ra biển, nhốn nháo hỗn loạn chẳng biết « trời trăng » gì hết, chỉ có một ý nghĩ rõ rệt ở trong đầu là « Ở lại với tụi nó là chết ! ». Vậy rồi giai đoạn di tản đó chấm dứt vào ngày 30 tháng 4…


…Giữa tháng 4, một thằng bạn gọi điện thoại cho tôi, nói : « Mầy đừng đi di tản. Ở lại đi ! Không có sao hết ! Tao bảo đảm ». Thằng nầy làm lớn trong « Tổng Nha », nó nói « chắc như bắp » ! Lại một thằng bạn khác – thằng này người Pháp, làm việc ở sứ quán Pháp – nói trong điện thoại, giọng rất bình thản : « Mầy đừng đi đâu hết ! Mọi việc đều đã thoả thuận trước rồi ! Yên tâm ! ». Riêng tôi, tôi nghĩ : « Mình làm việc cho hãng dầu ngoại quốc trực thuộc hãng quốc tế SIPC ( Shell International Petroleum Company – Anh Quốc ) chắc không sao ! ». Vậy là tôi quyết định ở lại…


…Ngày 30 tháng tư năm 1975 ! Việt cộng vào « đớp » hết, công tư gì cũng đớp hết, thượng vàng hạ cám gì cũng đớp hết. Họ gọi hành động đó bằng một danh từ nghe cũng…văn chương :« Tiếp Quản ». Không biết hai thằng bạn tôi kể ở trên có…tức hộc máu hay không khi thấy mình bị gạt dễ dàng như con nít ? Riêng tôi, tôi thấy như tôi từ trên trời rơi xuống, thấy những gì xưa nay mình học, mình hỏi, mình hiểu biết, mình suy luận v.v…đều sai bét đối với « cái gọi là cách mạng » !


Hãng dầu tôi làm việc bị tiếp thu bởi…«ê-kíp » có bí số K7. Những người nầy mặc đồ đen đội mũ tai bèo đen. Mấy tay có vẻ « xếp » mang túi dết ngang hông và bao súng lục nằm…sau đít ! Họ chiếm kho dầu Nhà Bè và văn phòng trung ương ở đường Thống Nhứt. Hai hôm sau, có tin bộ đội vào kho Nhà Bè « vít » K7 ra ngoài, vì kho dầu không thuộc quyền quản lý của mấy cha K7. Vậy là trong cái tổ chức rất là…« cách mạng » nầy, cái « đầu não » của công ty không còn dính với cái thân mình là kho dầu nữa ! Phải nói thiệt : tôi làm việc cho hãng dầu hơn 19 năm, đã đi thăm viếng nhiều hãng dầu ở các quốc gia khác, nhưng chưa thấy một tổ chức hãng dầu nào…khùng như vậy !

Qua sáng ngày thứ ba, tôi được chở xuống kho Nhà Bè để hướng dẫn một ông tướng VC đi viếng kho ( Có lẽ mấy tên « nằm vùng » đã cho bọn « cách mạng » biết rằng tôi…rành kho dầu này lắm ! ) Đến kho, tôi được « ông » bộ đội xếp kho cho biết ông tướng là « xếp » cục hậu cần. Tôi tưởng tượng sẽ gặp lão ta với bộ quân phục thẳng nếp và một ngực mề đai như thường thấy ở mấy tướng các nước cộng sản !

…Xe ông tướng đến. Bước xuống là một người cao lớn mặc bộ đồ « xá xẩu » tàu bằng lụa màu ngà, đội nón Panama trắng, miệng ngậm ống đót có điếu thuốc đang cháy dở. Được giới thiệu, ông ta không bắt tay tôi, chỉ gật nhẹ đầu, nói :« Ta đi thôi ! ». Tôi lưu ý ông ta đừng hút thuốc trước khi vào kho. Ổng gạt bỏ mẫu thuốc nhưng vẫn ngậm ống đót trên môi…

Kho Nhà Bè lớn lắm. Ngoài bốn cầu tàu chiếm hết mặt sông, trên bờ có khu bồn chứa và các khu nhà máy trộn nhớt, trộn hoá chất, sản xuất thùng thiếc 20 lít đựng dầu hôi, châm dầu vào thùng 200 lít, nhà máy nhựa đường.v.v…

« Phái đoàn » đi viếng gồm có ông tướng, hai người hộ vệ và xếp kho. Vì kho dầu không làm việc nên tôi chỉ đưa họ đi…phớt phớt vòng ngoài các khu nhà máy. Tôi có ý đợi họ đặt câu hỏi, nhưng không nghe cha nào nói một tiếng. Sau nầy, tôi mới biết rằng ngoài bắc không có những gì chúng tôi có ở trong nam, cho nên họ không biết…khỉ gì để mà hỏi !

Đến khu bồn chứa, bỗng ông tướng chỉ một cái bồn, hỏi : « Cái bể nầy bao nhiêu khối ? ». Tôi trả lời : « Mười lăm ngàn m3 ». Hỏi : « Mỹ nó làm cho các anh đấy à ? ». Trả lời : « Không có thằng Mỹ nào vô đây hết ! Toàn là dân Việt Nam thực hiện ».

Nghe vậy, lão ta cười khẫy : « Làm gì có ! Ở ngoài ta, trên 2000 khối là phải ông Liên Xô hay ông Trung Quốc thực hiện cơ ! ». Cái cách thằng chả nghi ngờ lời tôi nói đã chạm mạnh tự ái của tôi, đồng thời cũng cho tôi thấy rằng miền bắc của mấy chả nó dở ẹc hà ! Tôi nhấn mạnh : « Tất cả ba mươi mấy cái bồn nầy, lớn nhỏ gì cũng do nhà thầu thực hiện với thầy thợ hoàn toàn người Việt.)) Tôi đưa mấy người đến xem cái bồn mới làm xong cách đây mươi hôm. Đó là cái bồn lớn nhứt kho Nhà Bè, 30000 m3, do nhà thầu Việt Nam EVS thực hiện, nó lớn bằng nửa cái sân banh !. Từ đó, mấy chả làm thinh luôn cho đến về văn phòng để họp với mấy anh em cấp chỉ huy cũ theo ý muốn của ông tướng !

Sau khi nghe mấy anh em lần lượt trình bày lý lịch, cấp bậc, phần việc và lương bổng của mình, ông tướng nói : « Các anh yên tâm : Đảng và Nhà Nước sẽ trả lương các anh y như cũ. Cứ yên chí phục vụ ! ». Nghe giọng ông ta rất tin tưởng vào những gì ổng nói, mình cũng thấy tin tưởng theo…

…Thời gian sau, hãng dầu đường Thống Nhứt được mang tên « Công Ty Xăng Dầu Khu Vực Hai ». Hỏi « Khu Vực Một » ở đâu thì được trả lời « Chưa có, nhưng đã có Tổng Công Ty ở Hà Nội » ! Cách mạng có khác !

Rồi là « xếp thang lương », nghĩa là mỗi ngành mỗi nghề đều được xếp cấp bậc trên từng thang lương, từ đó lãnh lương mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ nửa lương. Tôi được xếp « kỹ sư bậc 2 trên 6 », nghe…khoẻ re. Thang lương có 6 bậc mà mình nằm gần trên đĩnh rồi, họ cũng biết…chấm điểm đó chớ ! Ai dè khi lãnh lương mới…té ngửa : mấy chả xếp thang lương ngược , hạng nhứt là bậc 6 nằm trên hết, rồi tuột lần xuống dưới chót là hạng một. Tôi bậc 2 trên 6, là hạng…áp chót ! Mẹ !…

Tôi lãnh 80 đồng tiền mới ( Vậy là thằng cha tướng Tổng Cục Hậu Cần đã nói láo ! ) Bực mình, chạy đi gặp thủ trưởng, ảnh nói : « Trời đất ! Bác Hồ chủ tịch nước mà chỉ lãnh có 200 đồng. Còn anh, anh lãnh tới 80 đồng còn muốn gì nữa ? ». Thấy thằng chả đem « Bác Hồ » ra…làm chứng, tôi biết có cãi cũng vô ích. Rồi tôi nhớ ra là anh tài xế cũ của tôi bây giờ lãnh 90 đồng, tôi…đánh đòn chót : « Vậy thôi anh cho tôi làm tài xế, đi ! ». Thằng chả cười, thấy như tôi sao quá khùng, nên vừa lắc đầu vừa trả lời : « Đâu được ! Anh là Kỹ Sư đâu làm tài xế được ! ». Tôi làm thinh, bước ra khỏi văn phòng thủ trưởng mà thấy như mình từ trên trời rơi xuống !

* * *

…Tôi « chịu trận » với cái gọi là « cách mạng » hết ba năm. Vượt biên thất bại hết ba lần, qua lần thứ tư đi thoát, để bây giờ – ba mươi mấy năm sau – ngồi viết mấy dòng nầy nhân ngày 30 tháng tư thứ 37…mà thấy không phải tôi đã từ trên trời rơi xuống, chính mấy thằng cha « cách mạng » mới là từ trên trời rơi xuống !
Tiểu Tử

Cướp Phi Cơ Quân Sự Vượt biên sau năm 1975


Ông Trương Văn Ẩm chụp tại Hoa Kỳ ngày 26/1/2015
Hình do ông Trương Văn Ẩm gửi RFA



Vào ngày 24/11/1979,  một cuộc không tặc máy bay quân sự C130 vô tiền khoán hậu tại sân bay Tân Sơn Nhất của một nhóm 13 người trốn chạy khỏi VN gây chấn động thế giới. Họ là ai? Cuộc vượt biên bằng máy bay này ra sao? Ông Trương Văn Ẩm, người lên kế hoạch cuộc không tặc kể lại câu chuyện sau 36 năm:
“Không có động cơ nào hết bởi vì năm 1975 tôi đã sắp xếp đầy đủ, sẵn sàng chỗ máy bay cho ông già bà già, cho vợ con đi mà cuối cùng bà già với anh em cương quyết không đi. Tôi không đi được thì tôi nghĩ không bao giờ đi nữa”.

Ông Trương Văn Ẩm, một nhân viên trong ngành kỹ thuật hàng không làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất, được giữ lại trong Cục Kỹ thuật Không quân sau năm 1975 bắt đầu câu chuyện kể của mình qua câu hỏi của Hòa Ái rằng động cơ nào khiến ông đi đến quyết định trở thành một tên không tặc đối với chính phủ VN lúc bấy giờ.

Tuy cuộc sống của ông và gia đình không còn được sung túc như thời VNCH nhưng vẫn tốt sau khi Sài Gòn đổi tên thành TP. HCM. Ông Ẩm không hề manh nha nghĩ đến một cuộc ra đi nào sau khi cả gia đình quyết định ở lại VN. Thế nhưng, một chuyến công tác ra Hà Nội đầu tiên và cũng là cuối cùng đã tác động ít nhiều đến cuộc không tặc định mệnh trong cuộc đời ông:
“Đùng một cái vào ngày mùng 2 tháng 9, lễ Quốc khánh năm 1979, tối đang ở nhà coi ti vi với bà con lối xóm thì ông thủ trưởng lái xe jeep ra, đi với mấy người lính, nói  với tôi rằng anh có lệnh phải đi công tác Hà Nội. Từ hồi mất nước khi tôi ở lại dù có yêu cầu đi Hà Nội mấy lần nhưng tôi không muốn đi. Không biết tại sao động lực nào xui khiến lần này tôi đi liền. Nhiệm vụ của tôi, thứ nhất là tôi phải coi một chiếc máy bay C30 bị hư lâu rồi mà không sửa được. Nhiệm vụ thứ hai là tôi phải vào Cục Kỹ thuật Không quân, thuộc Bộ Tư lệnh Không quân để thuyết trình những hoạt động máy bay của Mỹ trong này cho mấy ông lớn ngoài đó nghe. Tôi ra Hà Nội, tôi coi thì chiếc máy bay không bị hư hỏng nặng, chỉ bị hư nhẹ thôi nhưng vì mấy người không có kinh nghiệm. Tôi lên coi máy, tôi hỏi rồi tôi chỉ anh em làm có nửa tiếng đồng hồ xong”.

Cậu tôi nói là tôi phải đi, không được ở lại. ‘Bởi vì mày ở lại mai mốt cũng về cuốc đất. Nó chỉ sử dụng mày một thời gian thôi đến khi nào nó biết hết’ - Ông Trương Văn Ẩm

Nhiệm vụ thứ nhất đã hoàn thành nhanh chóng và đến giờ vào Cục Kỹ thuật để thuyết trình. Thế nhưng bức tranh về xã hội miền Bắc dưới chế độ Cộng sản lần lần được hiện ra rõ nét trong tâm tưởng ông Trương Văn Ẩm. Bắt đầu từ giây phút ông bị anh lính gác cổng không cho vào thuyết trình vì cách ăn mặc miền Nam không đúng theo tiêu chuẩn quy định cho đến Thượng úy trực ban cũng không thể can thiệp cho vào để ông làm tròn nhiệm vụ thứ 2 được giao. Vì nguyên nhân này mà ông Ẩm có thời gian tham quan Hà Nội, được tận mắt thấy cảnh đời sống thường nhật của người dân Hà thành, kể cả những trí thức trở về từ các nước Đông Âu.

Do thời tiết bị bão, không có máy bay về lại miền Nam, ông Trương Văn Ẩm quyết định về thăm cố hương Thái Bình, nơi ông di cư từ hồi 8, 9 tuổi. Họ hàng gần xa đều đến đông đủ tay bắt mặt mừng. Trong thời gian 3 ngày thăm viếng, lời khuyên ngắn gọn của người cậu ruột ám ảnh ông Trương Văn Ẩm:
“Cậu tôi nói là tôi phải đi, không được ở lại. ‘Bởi vì mày ở lại mai mốt cũng về cuốc đất. Nó chỉ sử dụng mày một thời gian thôi đến khi nào nó biết hết’”.

Rồi buổi gặp mặt tình cờ với phi công Tiêu Khánh Nha đã khiến ông Trương Văn Ẩm đi đến quyết định cho một chuyến vượt biên bằng máy bay quân sự sau khi nghe chia sẻ của Thượng úy “chế độ mới” này:
“Ông nói cái vụ chiến tranh biên giới năm 1978, tôi mang họ Tiêu, nó nói tôi gốc Tàu mà tôi có biết ông cố nội tôi có phải Tàu không. Nhưng bây giờ nó muốn hất tôi ra khỏi sân bay, không cho tôi được phép đi tới gần máy bay, chờ nó cho về vườn thôi”.

Kế hoạch cho một cuộc vượt thoát bằng cách cướp chiếc máy bay quân sự C130 đang được ông Ẩm phụ trách sửa chữa ở sân bay Tân Sơn Nhất được lập ra chớp nhoáng. Mọi dự trù về xăng nhớt, an ninh, phòng không đều được bàn tính chi ly chỉ vỏn vẹn trong 3 ngày.
“Nếu đi đúng giờ giấc thì mình cất cánh rồi thì F5 Biên Hòa chưa cất cánh. Lý do khi nghe báo động dưới này thì phải gọi lên phòng tác chiến trên đó. Phòng tác chiến phải kiểm tra tới, kiểm tra lui. Đúng thì mới ra lệnh xuống Phòng hành quân và Phòng hành quân mới ra lệnh cho phi công ra máy bay thì mất khoảng 10 đến 15 phút. Thời gian nói chuyện với nhau cũng mất 5,10 phút rồi. Khoảng 25 đến 30 phút máy bay mới cất cánh được mà mình cất cánh 15 phút thì đã mất tiêu rồi”.

Kế hoạch bị trì hoãn, thay vì xuất phát vào giờ G ngày thứ Tư thì mãi đến giờ cơm trưa ngày thứ Bảy, nhóm người trong tổ nhân viên kỹ thuật hàng không của ông Ẩm và 1 bộ đội canh gác máy bay trên mặt đất bị khống chế bắt đầu giây phút trở thành không tặc:
“Khoảng 11 giờ bắt đầu tôi cho anh em quay máy. Khi vừa quay máy được chút xíu, khoảng 5 phút thì có 2 anh bộ đội kéo một chiếc máy bay loại C119 đi ngang ‘taxi way’(đường di chuyển nội bộ trong khu vực sân bay), dừng lại ngay giữa đường, đứng đó là mình không bay ra vô được nữa. Chiếc máy bay đó lớn lắm”.

3sBddVM6-400.jpg
Chiếc máy bay C130

Theo kế hoạch, vợ chồng và 2 đứa con nhỏ của phi công Tiêu Khánh Nha sẽ xé hàng rào chạy vào sau khi nghe tiếng 4 động cơ chiếc C130 được khởi động. Nếu trục trặc xảy ra thì các động cơ sẽ bị tắt. Đây là tín hiệu cho gia đình phi công này không được di chuyển tiếp cận máy bay. Do bị chiếc C119 chắn ngang, 4 động cơ bị tắt trong khi ông Ẩm đang cố gắng tìm cách giải quyết thì phi công Tiêu Khánh Nha không làm theo kế hoạch:
“Ông Nha nóng ruột, chung hàng rào chạy vô. Ông cứ hỏi, tôi nói anh cứ đi ra đi, ăn cơm xong rồi liên lạc sau. Anh đi ra khỏi đây đi. An ninh, Bảo vệ mà thấy anh với tôi nói chuyện là phiền phức”.
Sau đó không lâu, mọi việc suông sẻ:
“Tôi sắp xếp xong đàng hoàng thì quay máy khoảng 5 phút sau, nhìn ra phía hàng rào vẫn không thấy gia đình ông Nha đâu hết”.

Trong giây phút căng thẳng không thấy gia đình phi công Tiêu Khánh Nha xuất hiện thì 1 bộ đội chạy đến khiến mọi người chết đứng. Hóa ra là người trong gia đình phi công Nha “ăn theo”, mặc đồ lính, xé rào chạy về hướng máy bay. Cuối cùng 13 người có mặt trong phi hành đoàn bất đắc dĩ và chiếc C130 bắt đầu lăn bánh sau 2 giờ chiều ngày 24/11/1979.
“Vừa lái thẳng chiếc máy bay tới ngang Ga Hàng không Việt Nam, chỗ Đài kiểm soát là tống ga cất cánh lên liền quẹo về hướng Cát Lái. Lúc đầu định đi qua Biên Hòa rồi đi thẳng ra Vũng Tàu nhưng phút chót lại đổi ý. Khi cất cánh lên được rồi thì bay về hướng Thủ Thiêm. Bay khoảng 10 phút là chúng tôi thấy biển đến Vũng Tàu là bắt đầu lên cao. Anh em mừng ôm nhau khóc. Chúng tôi khóc trong máy bay vậy đó”.

Dường như kế hoạch được trót lọt, không gặp trở ngại nào từ lực lượng phòng không VN. Thế nhưng, thời tiết buổi chiều ngày thứ Bảy định mệnh là một thách thức cho nhóm không tặc bao gồm 2 trẻ em:
“La bàn thì không có, bị hư. Bản đồ không có. Chúng tôi theo cách hồi xưa được học địa lý, ra bờ biển Vũng Tàu thì theo bờ biển đi thôi. Trời xấu quá, tối và mưa nên phải bay lên cao. Bay lên cao khoảng 5,7, 10 phút lại xuống. Xuống lần thứ 4 thì chúng tôi thấy cái mỏm của Malaysia. Qua Malaysia thì sẽ đến Singapore. Chúng tôi học địa lý, chúng tôi biết. Bay khoảng 10 phút thì lên lại. Xuống trở lại thì thấy cảng của Singapore đèn đuốc sáng. Chúng tôi nói đúng Singapore phía trước rồi”.

Bay khoảng 10 phút là chúng tôi thấy biển đến Vũng Tàu là bắt đầu lên cao. Anh em mừng ôm nhau khóc. Chúng tôi khóc trong máy bay vậy đó.- Ông Trương Văn Ẩm

Cất cánh được êm xuôi. Thế hạ cánh thì thế nào:
“Chúng tôi bật liên lạc. Chúng tôi không có tần số nên liên lạc không được. Không có ai trả lời hết thành ra chúng tôi phải đáp bằng tín hiệu gọi là MCC quốc tế. Chúng tôi lắc cánh 3 lần. Bật đèn xanh chớp rồi lắc cánh 3 lần. Khi lắc cánh 3 lần thì chúng tôi nhìn thấy Đài Kiểm soát của sân bay Singapore chớp đèn đỏ. Như vậy đã nhận được tín hiệu của mình nhưng đèn đỏ là không được đáp”.
Và chiếc C130 đáp xuống sân bay Singapore một cách an toàn. Mọi người được yêu cầu chờ trên máy bay, được cung cấp thức ăn và được chở đi vệ sinh. Sau vài giờ đồng hồ, cảnh sát Singapore nói rằng sẽ cho máy bay dẫn đường bay qua Philippines. Đoàn người nhất quyết không đồng ý và khẩn thiết xin được gặp nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Singapore.

Nhóm 13 người được giữ lại Singapore. Ngày Chủ Nhật hôm sau được làm việc với cảnh sát của đảo quốc Sư Tử. 2 ngày kế tiếp được gặp nhân viên Hoa Kỳ:
“Trong ngày khai báo thứ Hai và thứ Ba, có một ông Mỹ là Đại úy. Ông nói thẳng ông là CIA. Ông nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt Nam như người Việt Nam vậy. Ông nói chào mừng chúng tôi. Ông nói rằng ‘mấy anh đi làm náo loạn không những Tòa Bạch Ốc, Ngũ Giác Đài, mà náo loạn cả nước Mỹ và thế giới. Chúng tôi nhận các anh nhưng chúng tôi không tin tưởng bởi chúng tôi còn đặt nghi vấn có chuyện sắp xếp của Việt Cộng cho các anh đi. Thành ra tôi đang ở Đức nhưng được lệnh về gấp gặp các anh”.

Kết quả là cả 13 người được quy chế tị nạn chính trị và sẽ được định cư ở Hoa Kỳ. Trả lời câu hỏi “mọi người mong muốn điều gì sau khi nhận được kết quả này”, ông Trương Văn Ẩm ước ao được đặt chân đến Mỹ trước ngày Noel sắp đến. Điều mong ước tưởng chừng không tưởng ấy được đáp ứng. Trong khi mọi người hài lòng với món quà một bộ đồ và đôi giày ba-ta mới chuẩn bị lên đường qua Mỹ đón Noel chỉ trong vòng 1 tuần thì người bộ đội “con tin” lại xin được quay về VN. Dù mọi người khuyên can thế nào thì anh lính cụ Hồ vẫn không thay đổi quyết định:
“Nó khóc lóc nói ba em già 70 tuổi, nếu cho em về nhìn ba em một cái rồi chết cũng được”.

Như hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do, 12 người này đã trở thành không tặc để đi tìm sự sống trong cái chết. Nhà nước CHXHCNVN mở phiên tòa xét xử khiếm diện, tuyên án tử hình đối với Thượng úy phi công Tiêu Khánh Nha, ông Trương Văn Ẩm và những người còn lại bị tuyên từ 20 đến 35 năm tù giam.

Cuộc đời mới ở Hoa Kỳ của 12 người thoắt đó đã 36 năm với nhiều đổi thay. Sau khi đến Mỹ không lâu, 1 người trong nhóm bị bạo bệnh. Tro cốt của người này được gửi về cho gia đình qua đường bưu điện. Thế nhưng tên họ của người đã khuất mang “tội phản quốc” nên bị gửi trả ngược lại Hoa Kỳ. Trong mấy năm qua, 1 thành viên khác trong nhóm trở về VN lại được chào đón như một Việt kiều yêu nước.

Riêng người chủ mưu cuộc không tặc vô tiền khoán hậu, ông Trương Văn Ẩm vẫn kiên định tư tưởng “Tôi chỉ về khi nào không Cộng sản. Còn Cộng sản thì không bao giờ tôi về”, đồng thời vẫn luôn thăm hỏi tông tích của người bộ đội tên Tạo dù đến nay vẫn chưa có manh mối nào. Trong những phút giây bất chợt nhớ về lần vượt thoát, lẫn trong âm thanh văng vẳng tiếng động cơ và cánh quạt của chiếc C130, còn có tiếng khóc nghẹn ngào đòi trở về VN của anh Tạo. Và ông Ẩm tự hỏi “liệu rằng sau bao vật đổi sao dời, người lính trẻ có còn giữ vững lập trường của mình hay chăng?”.

Tháng 3 Gẫy Súng


Tuesday, January 27, 2015

Bệnh tật trong trại tù cải tạo

Cố Bác Sỹ Trần Vỹ, cựu bộ trưởng Bộ Y Tế thời Đệ nhất Cộng Hòa, người thầy rất đáng kính của tôi, viết trong cuốn hoi ký Tù Nhân Chính Trị của ông về cái chết của một người bạn đồng đội, chết trong trại tập trung 52-A ngoài Bắc: Đại Tá Đỗ Kiến N., cựu quận trưởng một quận Saigon. Người khá vạm vỡ, anh ấy thuộc thành phần những người chịu đựng rất khó khăn việc ăn uống thiếu thốn. Anh ấy phì ra, bị phù tất cả người và đi đứng khó khăn.

Cán bộ y tế ngây thơ cứ tưởng rằng chỉ cần kiêng muối cho cơ thể là làm biến mất bệnh phù, đã cho anh ăn đường. Điều này đã làm cho anh suy yếu thêm. Một buổi sáng, sau một đêm lạnh hơn thường lệ trong mùa, không thấy anh cử động khi tới giờ thức dậy, nhiều bạn bè nằm gần đến đánh thức anh nhưng anh không trả lời dù còn thở một cách yếu ớt! Đại Tá Đỗ Kiến N. đã chết sau đó.

Thầy Trần Vỹ viết tiếp: Vì sao N chết? Vì đói, Tất cả các bạn tù thì thầm. Vì bệnh phù thủng, cán bộ công an tuyên bố.


image
Ba chục năm đã qua đi kể từ cái chết đó. Ngày hôm nay, chúng ta hãy nhìn lại giai đoạn bi thảm này để suy nghĩ về những bệnh tật trong trại cải tạo.

Người tù cải tạo suy yếu từ thể xác đến tinh thần nên rất dễ mắc bệnh. Sức đề kháng của cơ thể họ xuống thấp một cách trầm trọng nên một cơn gió, một sự thay đổi thời tiết tầm thường cũng là một lý do đủ để làm người tù bỏ mạng hay liệt giường liệt chiếu nhiều tháng trời. Một cách tổng quát, ta có thể chia ra những bệnh tật trong tù ra làm ba nhóm bệnh chính:

1) Nhóm bệnh thứ nhất gây ra bởi sự thiếu dinh dưỡng.

image
Tôi đã ở trong trại cải tạo nhiều năm trời nên đã hiểu một cách rất rõ thế nào là cái đói trong những ngày tháng đen tối đó. Hãy nghe BS Trần Vỹ kể chuyện tù tội của ông: Một buổi xế trưa, khi đến bệnh xá để lấy thuốc cho các bạn tôi, tôi đã thấy cách một vài thước trước cửa vào, một người thường phạm đã suy mòn, ngồi ngay dưới đất bụi bậm, năn nỉ không ngừng với giọng rên rỉ:

-Ối ông cán bộ ơi, xin hãy thương sót tôi, hãy cho tôi ngay bây giờ chén cơm và cái trứng mà ông sẽ để lên quan tài khi tôi chết. Tôi đói quá, tôi không cần chúng sau khi tôi chết.

Quả đúng là như vậy, cái đói đưa tới cái chết một cách dễ dàng. Người Y Sỹ nào cũng biết được là sự thiếu sinh tố B1 có thể làm người ta chết. Một sự thiếu sinh tố A có thể làm người ta mù, thiếu sinh tố B12 sinh ra thiếu máu, vân vân và vân vân. Nếu sự thiếu thốn đó ngắn hạn, người ta có thể chịu đựng được nhưng nếu bị cải tạo năm này qua năm khác, làm sao tránh được những cái chết thê thảm như cái chết của Đại Tá Đỗ Kiến N. như đã mô tả ở trên.

2) Nhóm bệnh thứ nhì cũng rất quan trọng là những bệnh nhiễm trùng:

image
Khi bị đưa vào U Minh để cưỡng bách lao đông vào năm 1976, hai chân tôi nổi đầy những vết ghẻ lở. Vết thương này chưa lành thì lại có các vết thương khác nổi lên. Cho đến nay những vết thẹo vẫn còn đầy nơi hai cẳng chân của tôi.

Cuối năm 1976, tôi được chỉ định làm y sỹ cho những người tù đồng bọn. Một đàn anh của tôi, cựu dân biểu của một tỉnh mà tôi quên mất tên, Kiến Phong thì phải, hai mắt và da bỗng trở nên vàng khè, nước đái sậm đen như nước mắm. Tôi biết anh bị đau gan nặng mà đề nghị gửi đi bệnh viện cán bộ không cho nên cứ phải nhìn anh thoi thóp giữa đồng không mông quạnh của rừng núi Cà Mau. Không hiểu vì sao mà anh ta không chết và bệnh đau gan cũng không gây nên một cơn dịch đau gan như tôi sợ. Có lẽ vì đa số chúng tôi đã có được kháng thể trong người từ lâu rồi mà không hay, không biết.

Thầy Trần Vỹ kể lại trong sách đã nêu: Trong số những bệnh nhân có một cựu thiếu tá đã làm việc tại phủ Thủ Tướng. Anh ấy đã sốt nhiều ngày và bị đau ở ngực. Tôi đã áp tai vào lưng anh. Lúc bấy giờ tôi nghe rõ những dấu hiệu của chứng viêm phổi nhưng người ta nói không có gì trầm trọng và chích cho anh sinh tố B1. Tôi khuyên anh nên hỏi xin các bạn tù vài viên thuốc kháng sinh. Tôi không bao giờ biết được anh ta có tìm được kháng sinh hay không nhưng anh ta tiếp tục đi tới cái chòi nhỏ « bệnh xá » và vài ngày sau anh ta qua đời.

image
Thật sanh mạng một người tù cải tạo rẻ như bèo.

Người chỉ huy cũ của tôi, cựu Trung Tá Y Sỹ chỉ huy trưởng Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ trong thời gian bị cải tạo ngoài bắc đã phải mổ gấp một trường hợp sưng ruột dư cấp tánh cho một bạn tù trong những điều kiện rất là trung cổ, khi nghe kể lại trong lần anh ghé Montréal thăm chúng tôi, tôi còn rợn tóc gáy, nổi da gà. Nghĩa là chẳng có dao mổ, có khử trùng gì cả. Biết làm sao hơn, không mổ thì cầm chắc cái chết. Ông thầy của tôi mát tay nên đã cứu được bệnh nhân tuy anh khiêm nhường nói là: "Thằng ấy số nó chưa chết!".

3) Nhóm bệnh thứ ba là nhóm bệnh thuộc về tâm thần.

Sự tuyệt vọng gây nên những chứng bệnh mà chúng tôi gọi là Depression majeure. Người bệnh không còn thiết sống nữa. Những trường hợp tự tử tôi nghe kể lại rất nhiều tuy không chứng kiến, lý do là thời gian cải tạo của tôi tương đối ngắn, chỉ không bằng một phần nhỏ thời gian tù tội của những người khác.

Tuy nhiên có một trường hợp mà tôi là nhân chứng đàng hoàng. Một cựu đại úy được đưa vào cưỡng bách lao động với tôi tại Kim Quy, Đá Bạc thuộc tỉnh Cà Mau. Anh ta vốn là lính kiểng, con nhà giàu, học xong bị động viên và vào quân đội mà thôi chứ tôi nghĩ cũng chưa từng giết ai bao giờ. Vào tù được ít lâu thì vợ bỏ theo cán bộ CS trung úy công an gì đó. Cha mẹ già yếu lo buồn sau đó cũng qua đời. Ít lâu sau anh lại nhận được tin đứa con trai 5 tuổi cũng chết luôn không hiểu tại sao.

Một đêm cuối tháng 12 chúng tôi đang nằm ngủ trong những cái chòi dựng tạm bợ giữa núi rừng Cà Mâu thì bỗng thấy tiếng ai gào lên trong đêm trường tịch mịch « ĐM HCM, ĐM HCM »

Anh bạn đồng tù của tôi đã phát điên lên vì đau khổ.

Ba mươi năm đã qua đi từ những kỷ niệm đau thương đó. Lòng tôi bây giờ giá lạnh. Tôi không còn hận thù gì những người đã từng làm cán bộ quản giáo của tôi. Tôi biết là họ cũng như tôi chỉ là những phần tử thụ động. Tôi sẵn sàng tha thứ cho những khuôn mặt một thời hét ra lửa mửa ra khói đó nhưng làm sao quên được những người bất hạnh? Sinh ra không đúng thời, sống không đúng chỗ./. BS Trần Mộng Lâm